Khi đọc thông tin của một món ăn kiểm soát năng lượng, người ăn giảm cân cần lưu ý ba điểm sau đây:
1. Năng lượng (kcal) mang lại từ món ăn
Theo khung phân bố năng lượng các bữa ăn cho người ăn giảm cân (Thực hành 4, trang 33), các món ăn trong bữa ăn sẽ được kiểm soát với mức năng lượng như sau:
Món ăn sáng: 400kcal
Món ăn chính: 100-150kcal + Món rau đi kèm: 50-100kcal+ Chén cơm 200kcal
Món ăn phụ: 100-200kcal
Tính toán năng lượng mang lại từ món ăn
Từ thông tin này, người ăn giảm cân cần lưu ý rằng, khi bạn chọn những món ăn nào vượt mức năng lượng cho phép đưa vào bữa ăn thì bạn phải nhớ giảm năng lượng đi cho một số món ăn hay bữa ăn còn lại.
2. Số lượng phần ăn (g)
Số lượng phần ăn (g) được ước tính ra đơn vị thông thường như chén (cơm, bún, mì...), miếng (thịt, chả...), khứa hay con (cá),... để dễ cân đong bằng mắt.
Tính toán số lượng phần ăn
Dựa theo ước tính của món ăn kiểm soát năng lượng, người ăn giảm cân đối chiếu với số lượng phần ăn thực tế khi ăn bất kỳ ở đâu (hàng quán hay nhà), chỉ vài lần là bạn sẽ quen và nhớ nằm lòng phần ăn được của mình.
3. Hàm lượng chất béo (g/100kcal)
Bởi vì chất béo cung cấp số kcal gấp đôi so với chất đạm và bột đường (1g chất béo cung cấp 9kcal, 1g chất đạm hay bột đường cung cấp 4 kcal), cho nên người ăn giảm cân cũng cần lưu ý thông tin này của món ăn, để biết tránh hoặc hạn chế những món ăn giàu béo, và chọn những món ăn thấp béo hay béo trung bình, như sau:
- Món ăn giàu béo: chất béo ≥ 6g/100kcal
- Món ăn béo trung bình: chất béo từ 3g đến dưới 6g/100kcal
- Món ăn thấp béo: chất béo <3g/100kcal